Ngày 7/11/2022, Công an huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 đối tượng: Đỗ Đình H (sinh năm 2002; ở huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa), Tạ Việt H (sinh năm 2003, ở huyện Ba Vì, Hà Nội) và Đỗ Viết M (sinh năm 2001; trú tại huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Theo kết quả điều tra, Đỗ Đình H là sinh viên một trường Đại học trên địa bàn TP Hà Nội và có vay mượn của Đỗ Viết M số tiền 10 triệu đồng để tiêu xài. Ngoài ra, Đình H còn vay thêm nhiều người khác và không có khả năng trả nợ. Đình H lên kế hoạch tống tiền chính bố mẹ mình để có tiền. Thanh niên này rủ Việt H và M tham gia cùng.
Ngày 12/5/2022, Đình H lên một xe taxi rồi gọi điện thoại video cho bố mẹ thông báo việc “bị người khác bắt giữ, đưa đi vì nợ tiền”. Sau đó, Đình H liên tục giả giọng người khác gọi điện thúc ép gia đình phải đưa tiền nếu không sẽ “nhận xác con về”. Không dừng lại ở đó, để gia đình tin việc bị bắt giữ là thật, Đình H còn nhờ Việt H chụp và quay nhiều video ghi lại hình ảnh Đình Hoàng đang bị bắt giữ, trói, nhốt.
Để tránh bị lộ việc dàn dựng, M đã tư vấn cho Đình H phải tắt hoạt động trên Facebook, hạn chế gọi điện cho bố mẹ và sử dụng tài khoản ngân hàng của người lạ để nhận tiền.
Đêm cùng ngày, các đối tượng tiếp tục thúc giục và yêu cầu gia đình Đ.H phải chuyển tiền. Ngay sau đó, gia đình Đình H đã chuyển cho các đối tượng số tiền 30 triệu đồng, đồng thời trình báo Công an huyện Thạch Thất. Sau khi vào cuộc điều tra, lực lượng chức năng đã vạch trần được vở kịch của nhóm Đình H.
Tại cơ quan công an, Đình H khai, do đã xin tiền bố mẹ nhiều lần và ăn chơi hết, nên phối hợp cùng nhóm bạn thực hiện hành vi trên.
Quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với hành vi trên như sau:
Có thể thấy, hành vi uy hiếp, đe dọa tống tiền người khác là hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức, quan hệ tài sản được pháp luật bảo vệ. Hai loại tính chất này của tội phạm tống tiền khi áp vào Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, chính là tội danh được quy định tại Điều 170 về tội Cưỡng đoạt tài sản, cụ thể được ghi nhận như sau:
“Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Chế tài xử lý đối hành vi tống tiền
Như những quy định mà Điều 170 Bộ luật hình sự 2015 ghi nhận như trên thì có các khung hình phạt áp dụng cho từng tính chất phạm tội như sau:
+ Phạt từ từ 03 năm đến 10 năm tù giam;
+ Phạt từ từ 07 năm đến 15 tù giam;
+ Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm tù giam;
+ Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình thức phạt tiền hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nếu có thắc mắc liên quan hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ, giải đáp.
Mọi thông tin cần hỗ trợ, tư vấn xin vui lòng liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH
Nhat Binh Law - NBL
Add : 125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM
Tel : +84-28-6658.8181, Hotline: 0907 299 951 (Mr. Ls Huỳnh Trung Hiếu)
Email : nhatbinhlaw@luatsurienghcm.com
Website: luatsurienghcm.com, luatsunhatbinh.com