Thông tin về vụ bé trai 3 tuổi ở Hà Nam bị đánh đập, nhốt vào thùng carton, để trong tủ cấp đông hơn một tiếng đồng hồ. Tối ngày 14/8/2022 nghi phạm Nguyễn Trường G đã bị phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nam tạm giữ hình sự để làm rõ các hành vi liên quan.
G khai khoảng 15h20 ngày 13/8, bé trai hơn 3 tuổi ở nhà bên cạnh sang quán trà sữa của anh ta. Bé uống cốc trà sữa đang ở trên bàn, đi theo G vào quầy bếp lấy bánh quy, rồi lên giường ngồi ăn. Do “bực tức vì bị bé nhiều lần đòi chơi cùng” nên dùng chiếc chày kim loại ném mạnh một phát trúng đầu. Bé trai hơn 3 tuổi ngã ra sàn, khóc to. Dỗ nhiều lần không được, G ghì đứa trẻ ra sàn, bắt nằm yên. Khi bé trai khóc và gọi ông nội và mẹ cứu, thấy bé tỉnh dậy nên G dùng dây giày siết cổ, đặt trong thùng carton, đưa vào ngăn đá của tủ cấp đông. Sau đó, anh ta khoá cửa quán và đi xe máy về Hà Nội. 17h50 cùng ngày, bé trai được phát hiện trong tình trạng suy hô hấp, hạ thân nhiệt, chấn thương đầu, mặt, cổ và lưỡi sưng nề. Bé được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) trong đêm 13/8, điều trị tại khoa Cấp cứu chống độc trong tình trạng suy hô hấp, hạ thân nhiệt, chấn thương vùng đầu mặt cổ. Các bác sĩ đã làm thêm các xét nghiệm để xác định tổn thương về não, cột sống cổ... đồng thời hội chẩn các chuyên khoa chấn thương, ngoại thần kinh. Ngày 14/8, đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sức khỏe bé trai đã ổn định nhưng vẫn còn sưng nề vùng đầu, xây xước vùng đầu mặt cổ, mặt có nhiều vết bầm tím, ăn uống khó. Hiện, bé được chuyển sang Khoa Sức khỏe vị thành niên để theo dõi, tinh thần vẫn còn hoảng sợ.
Có thể thấy hành vi của nghi phạm là rất dã man, vô nhân tính và cần được xử lý nghiêm minh. Vậy, với những tình tiết trên G có thể đối mặt mức án nào? Văn phòng Luật sư Nhật Bình sẽ giải đáp cụ thể về vấn đề trên.
Theo quy định tại Điều 123 BLHS 2015:
“Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.”
Các yếu tố cấu thành tội phạm của tội giết người cụ thể như sau:
Dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm: Là hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác. Hành vi đó có khả năng gây ra cái chết cho nạn nhân, dẫn đến chấm dứt sự sống của họ. Hành vi khách quan trong trường hợp này hành vi hành động.
Đối tượng tác động: Hành vi tước đoạt tính mạng là người khác và người đó phải đang trong tình trạng còn sống.
Dấu hiệu hậu quả của tội phạm: Mặc dù hậu quả chết người không xảy ra vì nguyên nhân khách quan thì hành vi phạm tội bị coi là tội giết người chưa đạt
Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm:
Dấu hiệu lỗi: CTTP trong tội giết người trong trường hợp trên là do lỗi cố ý trực tiếp. Bởi vì nghi phạm có thể thấy được hậu quả chết người xảy ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra. Hậu quả chết người chưa xảy ra và lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người chưa đạt.
Dấu hiệu mục đích, động cơ phạm tội: Hành vi cố ý tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác có thể được thực hiện với các mục đích, động cơ khác nhau.
Khách thể của tội phạm: Tính mạng, sức khỏe, quyền được sống của con người được pháp luật Việt Nam bảo vệ bị các hành vi của phạm tội xâm hại đến.
Chủ thể cúa tội phạm: Chủ thể của tội giết người là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định đều có khả năng trở thành chủ thể của tội giết người. Theo quy định của Bộ luật hình sự: người từ đủ 14 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự về tội giết người
Qua đó, nghi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người. Hành vi giết được quy định mức hình phạt là từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, hành vi của G là thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt do bé trai được phát hiện, cứu chữa kịp thời nên may mắn còn sống sót. Trong những tình tiết trên, có thể thấy được G bộc lộ rõ ý đồ tước đoạt mạng sống cháu bé, việc nạn nhân vẫn sống sót là nằm ngoài ý chí của G.
Trường hợp trên căn cứ Điều 57 Bộ Luật Hình sự 2015, đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm.
Như vậy, hành vi của nghi phạm Nguyễn Trường G có khả năng bị truy cứu với tội Giết người theo quy định Tại Điểm b, n Khoản 1 Điều 123 BLHS 2015. Mức án cao nhất đối với trường hợp của Nguyễn Trường G là 20 năm tù.
Mọi thông tin cần hỗ trợ, tư vấn xin vui lòng liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH
Nhat Binh Law - NBL
Add : 125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM
Tel : +84-28-6658.8181, Hotline: 0907 299 951 (Mr. Ls Huỳnh Trung Hiếu)
Email : nhatbinhlaw@luatsurienghcm.com
Website: luatsurienghcm.com, luatsunhatbinh.com