Trong thực tiễn hiện nay, vấn đề cấp thiết và nhận được nhiều sự quan tâm từ phía xã hội đó chính là hành vi con cái bạo hành chính cha mẹ của mình. Vấn đề này không đơn thuần là hành vi vi phạm đạo đức, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Vậy theo quy định pháp luật hiện nay đối với hành vi trên pháp luật giải quyết như thế nào?
Sau đây, Văn phòng luật sư Nhật Bình sẽ giải đáp và cung cấp cho bạn đọc một số thông tin pháp lý cụ thể về vấn đề này.
Căn cứ pháp lý
- Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
- Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007;
- Nghị định 167/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính;
- Bộ Luật Hình Sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Căn cứ Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của con dâu đối với bố mẹ chồng như sau: Trong trường hợp con dâu sống chung với cha mẹ chồng thì giữa các bên có các quyền, nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ nhau theo quy định của Luật này.
Qua đó, có thể thấy rằng con dâu là thành viên trong gia đình, họ cũng có quyền và nghĩa vụ với nhau tương tự quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ với con. Về quyền và nghĩa vụ giữa con dâu và cha mẹ chồng chỉ phát sinh trong trường hợp họ có sống chung với nhau vì khi sống chung thì sẽ ràng buộc những điều kiện kinh tế, sinh hoạt… Phạm vi quyền và nghĩa vụ của con dâu hạn chế hơn so với quan hệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con. Tuy nhiên, hành vi đánh đập mẹ chồng là hành vi vi phạm nghiêm trọng về cả góc độ pháp luật lẫn đạo đức thế nên cần phải lên án.
Bên cạnh đó, Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007 quy định: Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Một trong các hành vi bạo lực nêu trên; có hành vi: hành hạ, ngược đãi, đánh đập thành viên trong gia đình hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng (Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007).
Xử lý vi phạm
Nếu người nào vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm này thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tại Điều 50, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định việc xử phạt hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình như sau:
“1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;
b) Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này”.
Ngoài ra, nếu hành vi này có tính chất nghiêm trọng cấu thành tội phạm quy định tại Điều 185 Bộ luật hình sự 2015 về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình thì mức phạt cao nhất cũng khung hình phạt này là 5 năm tùy vào từng trường hợp cụ thể như sau:
Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
- Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
- Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo
Như vậy, pháp luật luôn có chế tài để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu, người có công nuôi dưỡng khi những người khác có hành vi bạo lực, xâm hại đến thân thể của họ. Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nếu phát hiện hành vi nghiêm trọng thì phải xử lý nghiêm để làm gương là điều rất cần thiết.
Mọi thông tin cần hỗ trợ, tư vấn xin vui lòng liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH
Nhat Binh Law - NBL
Add : 125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM
Tel : +84-28-6658.8181, Hotline: 0907 299 951 (Mr. Ls Huỳnh Trung Hiếu)
Email : nhatbinhlaw@luatsurienghcm.com
Website: luatsurienghcm.com, luatsunhatbinh.com