Hiện nay, phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng được nhiều người quan tâm và nhu cầu thẩm mỹ ngày càng tăng cao. Phẫu thuật thẩm mỹ là một phương thức làm đẹp mà đa số các chị em phụ nữ lựa chọn. Mặc dù chi phí để tiến hành phẫu thuật có thể khá đắt đỏ nhưng hiện nay có rất nhiều người ưa chuộng phương pháp này. Bên cạnh những lợi ích nó mang lại thì còn nhiều bất cập kéo theo nhiều hệ lụy, tỷ lệ bệnh nhân bị tai biến trong và sau quá trình thẩm mỹ cũng xảy ra khá phổ biến. Không phải ai cũng may mắn, suôn sẻ để có thể hoàn thiện được khuôn mặt của mình sau thẩm mỹ, có rất nhiều trường hợp xảy ra biến chứng, sức khoẻ bị giảm sút trầm trọng sau phẫu thuật. Vậy, ai sẽ là người chịu trách nhiệm về vấn đề này?
Thực tế thời gian qua, Văn phòng luật sư Nhật Bình nhận được rất nhiều đề nghị tư vấn cho trường hợp phẫu thuật bị tai biến, từ phẫu thuật vùng mặt, căng da mặt, cắt mí mắt, cho đến hút mỡ bụng, nâng ngực.v.v. tại một số cơ sở thẩm mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh. Đề nghị Văn phòng đại diện làm việc với các cơ sở thẩm mỹ để yêu cầu bồi thường.
Bài viết sau đây của Văn phòng luật sư Nhật Bình sẽ cung cấp cho bạn đọc một số kiến thức cơ bản và câu trả lời cụ thể.
Cơ sở pháp lý:
- Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009
- Bộ luật Dân sự năm 2015
- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Căn cứ theo Điều 76 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định về Trách nhiệm của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh như sau:
“1. Trường hợp xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh hoặc trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 73 của Luật này, doanh nghiệp bảo hiểm mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã mua bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo hợp đồng bảo hiểm đã ký với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.
Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa mua bảo hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 78 của Luật này thì phải tự bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo quy định của pháp luật.
2. Ngoài việc bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh phải chịu các trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp xảy ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 73 của Luật này thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề không phải bồi thường thiệt hại.”
Do vậy, trong trường hợp xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh hoặc trong trường hợp quy định thì doanh nghiệp bảo hiểm mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã mua bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo hợp đồng bảo hiểm đã ký với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.
Nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa mua bảo hiểm thì phải tự bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo quy định của pháp luật theo Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, cơ sở thẩm mỹ sẽ phải bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm gồm:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại);
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị (nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại);
Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định nêu trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần người đó phải gánh chịu.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần là do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Từ những vẫn đề được nêu ra, trước khi quyết định làm phẫu thuật thẩm mỹ bạn nên tìm hiểu kỹ càng cơ sở mình định làm thế nào, kinh nghiệm của phẫu thuật viên, điều kiện cơ sở vật chất cũng như việc chăm sóc sau khi phẫu thuật... Ngoài ra, các điều khoản khi giao kết hợp đồng cần cụ thể rõ ràng nhằm giúp dễ dàng trong việc xác định mức độ bảo hành, chịu trách nhiệm của các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ nếu có biến chứng xảy ra.
Mọi thông tin cần hỗ trợ, tư vấn xin vui lòng liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH
Nhat Binh Law - NBL
Add : 125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM
Tel : +84-28-6658.8181, Hotline: 0907 299 951 (Mr. Ls Huỳnh Trung Hiếu)
Email : nhatbinhlaw@luatsurienghcm.com
Website: luatsurienghcm.com, luatsunhatbinh.com