Thông tin từ ban lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ, Hà Nội xác nhận tại bệnh viện vừa xảy ra vụ giả nhân viên y tế để bắt cóc trẻ sơ sinh. Cụ thể là chị NTH, sinh năm 1983, ở xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội nhập viện và sinh mổ một bé trai.
Đến khoảng 20h ngày 19/08/2022, một phụ nữ tên Nguyễn Thị T (32 tuổi, trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội) mặc áo blouse trắng đi thăm khám các trẻ sơ sinh tại khoa. Người này nói con trai chị H. bị vàng da, cần đưa đi điều trị và bế cháu bé đi. Bà nội cháu bé thấy nhiều dấu hiệu bất thường nên nghi ngờ đi theo.
Khi vừa đi được một đoạn, bác sĩ Nguyễn Tiến T, Phó khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ - người trực tiếp phẫu thuật sinh mổ cho sản phụ H. bắt gặp Nguyễn Thị T đang bế đứa bé đi. Thấy người lạ mặt, không mặc áo blouse in logo bệnh viện, bác sĩ T liền chặn lại hỏi liền chặn lại hỏi một số nội dung nhưng nghi phạm T không trả lời được. Nghi ngờ T giả mạo nhân viên y tế nên bác sĩ đã yêu cầu T cùng người nhà cháu bé xuống khoa phụ sản để xác minh thông tin. Biết đã bị phát hiện, T sợ hãi vội bỏ chạy nhưng lực lượng bảo vệ đã bắt giữ và bàn giao công an.
Với hành vi vi phạm pháp luật trên của nghi phạm Nguyễn Thị T có thể cấu thành tội phạm với tội danh gì?
Sau đây, mời bạn đọc tham khảo bài viết của Văn phòng Luật sư Nhật Bình để hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật của hành vi trên.
Cơ sở pháp lý: Bộ luật Hình sự 2015
Phân tích qua hành vi dùng thủ đoạn tinh vi của nghi phạm Nguyễn Thị T, có thể thấy hành vi của T có thể đủ cấu thành Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 153 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
“Điều 153. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
c) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đối với 06 người trở lên;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Yếu tố cấu thành tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi như sau:
Đối với tội chiếm đoạt trẻ em. Được thể hiện qua việc dùng các thủ đoạn như lén lút, lừa gạt, dụ dỗ trẻ em, đưa trẻ em thoát khỏi sự quản lý, trông nom của cha mẹ hoặc người có trách nhiệm để đem bán, nuôi làm con nuôi hoặc để trả thù cha mẹ đứa trẻ.
Việc chiếm đoạt trẻ em có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, dù dưới bất kỳ hình thức nào thì người có một trong các hành vi nêu trên vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi thực hiện đó.
+ Trẻ em là người bị hại trong trường hợp này là người chưa đủ 16 tuổi.
+ Nếu hành vi chiếm đoạt trẻ em làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.
+ Tội phạm hoàn thành kể từ khi người phạm tội có hành vi nhằm vào việc mua, bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em. Nếu hậu quả chiếm đoạt trẻ em chưa xảy ra thì được cọi là phạm tội chưa đạt.
Mặt khách thể: Các hành vi nêu trên xâm phạm đến quan hệ về quyền được chăm sóc, nuôi và sống chung với cha mẹ, quyền được bảo vệ của trẻ em.
Mặt khách quan: Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi.
Mặt chủ quan: Tội phạm nêu trên được thực hiện với lỗi cố ý. Động cơ và mục đích thực hiện hành vi mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt nêu trên không phải là dấu hiệu cấu thành cơ bản mà chỉ có ý nghĩa trong việc định khung tăng nặng, lượng hình.
Chủ thể: Chủ thể của tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi là bất kì ai có năng lực trách nhiệm hình sự từ 16 tuổi trở lên.
Như vậy, đối với vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhân thân của đối tượng. Làm rõ động cơ mục đích thực hiện hành vi. Xác định hậu quả mà đối tượng đã gây ra đối với xã hội để từ đó tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi sẽ áp dụng hình thức xử lý cụ thể, phù hợp, nghiêm khắc, đúng người đúng tội với quy định của pháp luật.
Hi vọng bài viết này sẽ hữu ích cho các bạn!
Mọi thông tin cần hỗ trợ, tư vấn xin vui lòng liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH
Nhat Binh Law - NBL
Add : 125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM
Tel : +84-28-6658.8181, Hotline: 0907 299 951 (Mr. Ls Huỳnh Trung Hiếu)
Email : nhatbinhlaw@luatsurienghcm.com
Website: luatsurienghcm.com, luatsunhatbinh.com