Câu hỏi: Tất cả người trong dòng họ em chơi chung một đầu hụi, mỗi người mười mấy đầu. Trong thời gian chơi chủ hụi đầu thảo sắp số để hốt hụi, tất cả mọi người đều gần chót hoặc chót mới được hốt hụi và những người hốt đầu thì không ai được biết. Hỏi chủ hụi đầu họ thì nói là bà con ở xa hốt nhưng rốt cuộc không ai hết và bây giờ đến gần cuối thì người trong dòng họ em hốt thì chủ hụi báo là bể hụi và trốn đi 2 ngày. Tất cả những người chơi hụi cộng lại số tiền khi chơi hụi là trên 10 tỷ đồng. Người chủ hụi đầu thảo nói bây giờ không có tiền trả cho mọi người. Vậy thì khi thưa ra Tòa thì người chủ hụi đầu thảo có bị xử phạt gì không ạ?
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi qua địa chỉ “http://luatsurienghcm.com”, Với câu hỏi của bạn như vậy, Văn phòng Luật Sư Nhật Bình (NBL) xin trả lời như sau:
Điều 471 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về họ, hụi, biêu, phường như sau:
"1. Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
2. Việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật này.
4. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi”
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 144/2006/NĐ – CP thì "Hình thức họ bao gồm họ không có lãi và họ có lãi. Họ có lãi bao gồm họ đầu thảo và họ hưởng hoa hồng”
"Họ đầu thảo là họ mà theo sự thoả thuận giữa những người tham gia họ, chủ họ được lĩnh toàn bộ các phần họ trong một kỳ mở họ và không phải trả lãi cho các thành viên khác. Trong các kỳ mở họ khác, thành viên trả lãi cao nhất được lĩnh họ và phải trả lãi cho các thành viên khác” (Điều 19 Nghị định 144/2006/NĐ – CP)
Chủ họ trong họ đầu thảo có các nghĩa vụ sau đây:
"1. Lập và giữ sổ họ và các giấy tờ liên quan đến họ.
2. Thu phần họ của các thành viên.
3. Giao các phần họ cho thành viên được lĩnh họ.
4. Nộp thay phần họ của thành viên trong trường hợp có thoả thuận nếu đến kỳ mở họ mà có thành viên không góp phần họ.
5. Cho các thành viên xem sổ họ và cung cấp các thông tin liên quan đến họ khi có yêu cầu.
6. Các nghĩa vụ khác theo thoả thuận”
(Điều 15 Nghị định 144/2006/NĐ – CP)
“Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Bởi lẽ, một trong những nghĩa vụ của chủ họ đó là lập, giữ sổ họ và các giấy tờ liên quan đến họ, thiết nghĩ đây là căn cứ để chủ họ có thể xác định được phần hụi của từng người, về người đã nhận hụi, về việc trả lãi,... Cho nên xét thấy việc bể hụi nếu có xảy ra thì không thể xuất phát từ nguyên nhân khách quan được. Thêm vào đó, chủ hụi đã có hành động bỏ trốn khi được yêu cầu thanh toán phần hụi cho mọi người, điều đó chứng tỏ một điều rằng chủ họ có ý định chiếm đoạt tài sản bởi bản thân chủ hụi có thể lựa chọn những giải pháp khác để ứng biến trong tình thế này, nhưng chủ hụi lại chọn giải pháp là bỏ trốn. Chiếu theo quy định của pháp luật nêu trên, cộng với số tiền mà tất cả những người chơi hụi cộng lại là trên 10 tỷ đồng thì chủ hụi có thể bị kết án tù về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với khung hình phạt là từ 12 năm tù đến 20 năm tù.
Mọi thông tin cần hỗ trợ, tư vấn xin vui lòng liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH
Nhat Binh Law - NBL
Add : 125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM
Tel : +84-28-6658.8181, Hotline: 0907.299.951 (Mr. Luật sư Huỳnh Trung Hiếu)
Email : nhatbinhlaw@gmail.com
Website: luatsurienghcm.com