Câu hỏi: Gia đình tôi có một trang trại nuôi lợn, chuyên nhận nhập cho một số dự án. Vừa qua gia đình cho nhập cho một đơn vị với tổng số lợn 30 con với giá 75.000 đồng/kg; Tuy nhiên đến lúc bàn giao xong lợn thì bên mua lại không trả đúng như vậy và trả 55.000 đồng/kg,trong lúc đó bảng giá bên mua vẫn cho chúng tôi xem là trên 70.000 đồng vậy chúng tôi có đòi lại bằng giá như nói ban đầu không và đòi lại thì phải làm như thế nào? Xin luật sư tư vấn giúp tôi?
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi qua địa chỉ “http://luatsurienghcm.com”, Với câu hỏi của bạn như vậy, Văn Phòng Luật Sư Nhật Bình (NBL) xin trả lời như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp, giữa bạn và phía dự án có thực hiện một giao dịch dân sự đó là hợp đồng mua bán tài sản. Hai bên đã thỏa thuận và thống nhất giá cả. Tuy nhiên sau khi giao dịch đã thực hiện xong, bên mua không trả đúng giá như đã thỏa thuận. Điều 385 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng dân sự, theo đó: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.
Về hình thức của hợp đồng dân sự, pháp luật quy định: “Hình thức của hợp đồng được xác định theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó. Trường hợp hình thức của hợp đồng không phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó, nhưng phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng hoặc pháp luật Việt Nam thì hình thức hợp đồng đó được công nhận tại Việt Nam” (khoản 7, Điều 683, Bộ luật dân sự 2015).
Ở đây hành vi gioa nhận của hai bên đã xác lập nên hợp đồng mua bán tài sản.
Như vậy, trong trường hợp này, giao dịch mua bán giữa bạn và phía bên mua có thể thực hiện bằng lời nói, bằng văn bản đều được pháp luật cho phép. Khi hợp đồng được giao kết và thực hiện sẽ phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên như nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng, trong đó có nghĩa vụ trả tiền của bên mua theo đúng thỏa thuận. Bộ luật dân sự 2015 tại Điều 398 quy định về nội dung của hợp đồng dân sự, theo đó:
Điều 398. Nội dung của hợp đồng
1. Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng.
2. Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:
a) Đối tượng của hợp đồng;
b) Số lượng, chất lượng;
c) Giá, phương thức thanh toán;
d) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên;
e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
g) Phương thức giải quyết tranh chấp.
Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp, hai bên đã thỏa thuận về giá cả và phương thức thanh toán trong hợp đồng. Tuy nhiên, sau khi bạn chuyển quyền sở hữu số tài sản đó cho phía bên mua, bên mua đã không thực hiện đúng hợp đồng, nghĩa là không trả tiền đúng với giá cả đã thỏa thuận. Điều 440 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ trả tiền của bên mua trong hợp đồng mua bán tài sản:
1. Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng.
2. Trường hợp các bên chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản thì thời hạn thanh toán tiền cũng được xác định tương ứng với thời hạn giao tài sản. Nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản và thời hạn thanh toán tiền thì bên mua phải thanh toán tiền tại thời điểm nhận tài sản.
3. Trường hợp bên mua không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi trên số tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này.
Luật thương mại 2005 cũng quy định về nghĩa vụ thanh toán và thời hạn thanh toán của bên mua trong hợp đồng mua bán hàng hóa. Theo đó, Điều 50 quy định:
“1. Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng và nhận hàng theo thỏa thuận.
2. Bên mua phải tuân thủ các phương thức thanh toán, thực hiện việc thanh toán theo trình tự, thủ tục đã thỏa thuận và theo quy định của pháp luật.
3. Bên mua vẫn phải thanh toán tiền mua hàng trong trường hợp hàng hoá mất mát, hư hỏng sau thời điểm rủi ro được chuyển từ bên bán sang bên mua, trừ trường hợp mất mát, hư hỏng do lỗi của bên bán gây ra”.
Về thời hạn thanh toán trong hợp đồng mua bán hàng hóa, Điều 56 Luật thương mại 2005 quy định như sau:
“Trừ trường hợp có thoả thuận khác, thời hạn thanh toán được quy định như sau:
1. Bên mua phải thanh toán cho bên bán vào thời điểm bên bán giao hàng hoặc giao chứng từ liên quan đến hàng hoá;
2. Bên mua không có nghĩa vụ thanh toán cho đến khi có thể kiểm tra xong hàng hoá trong trường hợp có thỏa thuận theo quy định tại Điều 44 của Luật này.”
Như vậy, nếu các bên không có thỏa thuận khác sau khi bên bán giao tài sản, bên mua phải có nghĩa vụ trả đủ tiền như đã thỏa thuận. Vì vậy, trong trường hợp này bên mua không trả đúng số tiền theo giá đã thỏa thuận là vi phạm nghĩa vụ của mình. Bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu bên mua trả đúng, trả đủ số tiền như đã thỏa thuận, đồng thời yêu cầu bên mua phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo quy định tại Điều 353 Bộ luật dân sự 2015.
Trong trường hợp bên mua vẫn không trả, bạn có thể làm đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết tranh chấp và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm hại. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của bạn bị xâm phạm.
Mọi thông tin cần hỗ trợ, tư vấn xin vui lòng liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH
Nhat Binh Law - NBL
Add : 125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM
Tel : +84-28-6658.8181, Hotline: 0907.299.951 (Mr. Luật sư Huỳnh Trung Hiếu)
Email : nhatbinhlaw@gmail.com
Website: luatsurienghcm.com