H: Thưa luật sư, cho tôi hỏi là theo quy định hiện nay thì làm sao để ly hôn nhanh mà không cần phải hòa giải vậy? Nếu chúng tôi ly hôn thuận tình, thì có nhất thiết phải tiến hành hòa giải hay không?
Đ: Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi đến chúng tôi. Hòa giải là thủ tục có ý nghĩa quan trọng khi tiến hành ly hôn. Bài viết dưới đây của Văn phòng Luật sư Nhật Bình sẽ cung cấp các thông tin liên quan đến hòa giải ly hôn thuận tình theo quy định pháp luật.
Theo quy định pháp luật hiện hành, với thủ tục ly hôn thuận tình, vợ chồng sẽ trải qua 2 bước hòa giải bao gồm: hòa giải tại cơ sở và hòa giải tại Tòa án.
Điều 52 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.”
Ngoài ra, khoản 1 Điều 4 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải như sau: “Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở”
Trong đó, cơ sở là thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở 2013). Người được lựa chọn có thể là người có uy tín trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư.
Qua đó có thể thấy, việc hòa giải tại cơ sở chỉ được Nhà nước khuyến khích chứ không phải là một thủ tục bắt buộc.
Bên cạnh đó, Điều 54 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”
Và căn cứ khoản 2 Điều 397 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về vấn đề hòa giải khi ly hôn thuận tình thì: “Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ; giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình”
Có thể thấy, hòa giải ở tòa án là thủ tục bắt buộc khi vợ chồng yêu cầu Tòa án giải quyết việc thuận tình ly hôn. Thủ tục hòa giải được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị xét xử với mục đích hàn gắn vợ chồng, tạo điều kiện thuận lợi để vợ chồng đoàn tụ đồng thời giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.
Sau khi tiến hành hòa giải thì Thẩm phán phải ra các quyết định phù hợp với kết quả đã hòa giải. Tuy nhiên, Tòa án có thể không tiến hành hòa giải trong trường hợp Tuy nhiên, mặc dù bắt buộc nhưng có 04 trường hợp sau đây, vụ án ly hôn sẽ không tiến hành hòa giải được:
- Người bị yêu cầu ly hôn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình vắng mặt khi Tòa triệu tập hợp lệ đến lần thứ 02;
- Vợ chồng không thể tham gia hòa giải vì lý do chính đáng;
- Vợ hoặc chồng là người mất năng lực hành vi dân sự;
- Một trong hai vợ chồng đề nghị không tiến hành hòa giải.
Lúc này, Tòa án dựa trên yêu cầu của đương sự và giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn theo quy định của pháp luật.
Hi vọng bài viết trên sẽ hữu ích và giải đáp thắc mắc cho bạn!
Mọi thông tin cần hỗ trợ, tư vấn xin vui lòng liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH
Địa chỉ: 125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM
Tel : +84-28-6658.8181, Hotline: 0907.299.951 (Mr. Luật sư Huỳnh Trung Hiếu)
Email :nhatbinhlaw@gmail.com