Tảo hôn, tổ chức tảo hôn đã và đang là vấn đề khá nhức nhối của xã hội, nhất là đối với đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa. Điều này xuất phát từ nhận thức pháp luật cũng như nhận thức xã hội của các cá nhân, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp. Việc lấy vợ, lấy chồng hoặc tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho trẻ chưa đủ tuổi luật định không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nhân lực, dân số, giáo dục, chăm sóc trẻ em và là một trong những yếu tố cản trở sự phát triển tiến bộ xã hội.
Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Tổ chức tảo hôn là tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn.
Điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
…”
Theo đó, hành vi lấy vợ, lấy chồng hoặc tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho một trong các đối tượng sau được xem là hành vi tảo hôn hoặc tổ chức tảo hôn:
1. Nam chưa đủ 20 tuổi;
2. Nữ chưa đủ 18 tuổi;
3. Nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi.
Đối với hành vi tảo hôn, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Đối với hành vi tổ chức tảo hôn, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người nào có hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn thì căn cứ theo quy định tại Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.
Đối với hành vi tổ chức tảo hôn, trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà người đó còn vi phạm thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 183 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
Trên đây là phần giải đáp của Văn phòng Luật sư Nhật Bình, nếu có bất kỳ thắc mắc nào xin vui lòng liên hệ chúng tôi.
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH
Nhat Binh Law - NBL
Add : 125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM
Tel : +84-28-6658.8181, Hotline: 0907 299 951 (Mr. Ls Huỳnh Trung Hiếu)
Email: nhatbinhlaw@luatsurienghcm.com
Website: luatsurienghcm.com, luatsunhatbinh.com