Câu hỏi: Tôi nghe nói pháp luật tố tụng hình sự cho phép người dân có “quyền im lặng” khi làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng. Quyền này được quy định như thế nào, và tôi nên thực hiện quyền đó thế nào để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình” khi Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có hiệu lực pháp luật.
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi qua địa chỉ “http://luatsurienghcm.com”, Với câu hỏi của bạn như vậy, Văn Phòng Luật Sư Nhật Bình (NBL) xin trả lời như sau:
Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2015 đã cụ thể hóa một số nguyên tắc cơ bản thực thi quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp 2013 như nguyên tắc “Suy đoán vô tội” (Điều 13), “Xác định sự thật của vụ án” (Điều 15), “Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự” (Điều 16), “Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” (Điều 26)...
Còn về “Quyền im lặng”, thực ra, trong BLTTHS 2015 không có khái niệm về “Quyền im lặng”, mà chỉ có nội dung chứa nội hàm về “Quyền im lặng” được quy định về quyền của người bị buộc tội tại các điều 58 đến 61 BLTTHS. Quyền này của người bị buộc tội (gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) được thể hiện như sau: “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Quyền này được thể hiện xuyên suốt từ khi bị bắt, bị khởi tố cho đến xét xử. Đây chính là tinh thần cốt lõi của “Quyền im lặng” được thể hiện trong BLTTHS 2015.
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 được Quốc hội thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015 có hiệu lực ngày 01/01/2018 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết vụ án hình sự - Bảo đảm quyền lợi cho những người tham gia tố tụng - Nâng cao tính tôn nghiêm của pháp luật. Theo đó quyền im lặng lần đầu tiên được ghi nhận trên thực tế. Trước đó Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 không quy định về việc bị can, bị cáo, người bị bắt, bị tạm giữ có quyền từ chối đưa ra lời khai mà chỉ quy định về việc họ có quyền được trình bày lời khai và tự bào chữa cho chính mình.
Điểm d khoản 1 Điều 58 về người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt; Điểm c khoản 2 điều 59 về Người bị tạm giữ; Điểm d khoản 2 điều 60 về Bị can; Điểm h khoản 2 điều 61 về Bị cáo của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đều có quy định những người nêu trên có quyền: “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;”
Đấy là một thể hiện của quyền im lặng trên thực tế. Điều này đồng nghĩa khi được hỏi về những tình tiết làm tăng thêm mức độ nghiêm trọng của hành vi mà mình đã thực hiện trên thực tế hoặc khi được hỏi về việc có hay không việc bản thân đã thực hiện hành vi phạm tội trên thực tế thì những người nêu trên có quyền từ chối đưa ra lời khai mà cơ quan điều tra không thể tiếp tục yêu cầu. Đây là sự thể hiện quyền của người bị bắt, bị can, bị cáo được mở rộng hơn bởi sẽ có cơ hội để tự bảo vệ mình, tránh được những sai sót từ lời khai ban đầu trong điều kiện bị hạn chế quyền công dân. Tuy nhiên, quyền im lặng không được sử dụng bừa bãi, bởi pháp luật cũng quy định mỗi công dân đều có nghĩa vụ khai báo trung thực. Nếu họ khai báo không trung thực, không khách quan thì đều có quy định để trừng trị. Việc từ chối đưa ra lời khai chỉ nên được thực hiện khi bản thân biết rõ việc khai theo hướng đó là bất lợi và không đúng trên thực tế, tránh mớm cung, bức cung từ cơ quan điều tra chứ không nên sử dụng bừa bãi để bị đánh giá là không tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Bởi vậy những người bị hỏi cung cần hiểu rõ về câu hỏi, khai trung thực những gì diễn ra mà bản thân biết và chỉ sử dụng quyền im lặng một cách khôn ngoan và đúng tình hình nhằm phát huy cao nhất hiệu quả quyền này cho bản thân.
Mọi thông tin cần hỗ trợ, tư vấn xin vui lòng liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH
Nhat Binh Law - NBL
Add : 125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM
Tel : +84-28-6658.8181, Hotline: 0907.299.951 (Mr. Luật sư Huỳnh Trung Hiếu)
Email : nhatbinhlaw@gmail.com
Website: luatsurienghcm.com