Câu hỏi: Tôi là chủ sở hữu của một chiếc xe 07 chỗ, tôi đã tiến hành ký hợp đồng thuê xe với một cá nhân. Trong quá trình sử dụng, anh ta đã làm mất chiếc xe của tôi và có dấu hiệu trốn tránh không muốn bồi thường thiệt hại. Luật sư cho tôi hỏi tôi phải làm sao để lấy lại được tài sản?
Trả lời:
Với câu hỏi của anh/chị, Nhat Binh Law có câu trả lời như sau:
Theo Điều 472 Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS): “Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê”. Theo đó, căn cứ khoản 1 Điều 479 BLDS, một trong những nghĩa vụ bảo quản tài sản thuê của bên thuê là bảo quản tài sản thuê, phải bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ; nếu làm mất, hư hỏng thì phải bồi thường.
Ngòa ra, theo Điều 584 BLDS, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định như sau:
“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”
Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm được quy định tại Điều 589 BLDS như sau:
“Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:
1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
…”
Theo đó, dựa vào dữ kiện anh/chị cung cấp, người thuê xe của anh/chị đã xâm phạm đến tài sản của anh/chị là chiếc xe ô tô 07 chỗ khi đã làm mất tài sản trên trong thời gian thuê.
Do đó, căn cứ quy định tại Điều 585 BLHS, người thuê xe của anh/chị có trách nhiệm bồi thường theo các nguyên tắc sau:
- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Trong trường hợp, người thuê xe làm mất xe của anh/chị nhưng lại có thái độ không hợp tác, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ bồi thường thì anh/chị có thể khởi kiện đến Tòa án nơi người thuê xe cư trú, làm việc để yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm. Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
1. Đơn khởi kiện;
2. Giấy tờ xe và các tài liệu khác chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp;
3. Giấy xác nhận của cơ quan nhà nước về địa chỉ cư trú, làm việc của bị đơn;
4. CMND/CCCD và hộ khẩu của người khởi kiện.
Trên đây là phần giải đáp của Nhat Binh Law, nếu có bất kỳ thắc mắc nào xin vui lòng liên hệ chúng tôi.
NHAT BINH LAW - NBL
Add : 125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM
Tel : 028 6658 8181, Hotline: 0907 299 951 (Mr. Ls Huỳnh Trung Hiếu)
Email: nhatbinhlaw@luatsurienghcm.com
Website: luatsurienghcm.com, luatsunhatbinh.com