Câu hỏi: Đầu năm 2017, vì lý do cần tiền gấp để sử ụng vào công việc mà không vay được người thân nên tôi có vay tín chấp với số tiền là 8 triệu trả góp 12 tháng tổng cộng là 13 triệu. Tôi trả được 8 triệu thì mất khả năng chi trả , sau đó công ty đã mời công an khu vực xuống xiết đồ của nhà tôi, vậy cho tôi hỏi, như vậy có đúng luật không ? Mong chuyên mục tư vấn giúp ạ. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi qua địa chỉ “http://luatsurienghcm.com”, Với câu hỏi của bạn như vậy, Văn Phòng Luật Sư Nhật Bình (NBL) xin trả lời như sau:
Căn cứ Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 thì:
“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Vay tín chấp là hình thức hợp đồng vay có sử dụng một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng. Tín chấp theo Điều 344 Bộ luật dân sự 2015 là việc sử dụng uy tín của các Tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ trả tiền của bên vay theo Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác
Khi bên vay không trả được nợ thì bên cho vay có thể khởi kiện tới Tòa án, để Tòa án thực hiện kê biên những tài sản còn lại mà bên vay có để thực hiện trả nợ cho bên cho vay.
Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn, công ty là bên cho vay không khởi kiện mà đã nhờ công an can thiệp vào nhà bạn và xiết đồ của nhà bạn là sai. Bởi lẽ, công an không có quyền xiết nợ bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Việc cưỡng chế thi hành án chỉ thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của Luật thi hành án dân sự 2008 chứ không thuộc thẩm quyền của công an. Với trường hợp này, bạn có quyền khiếu nại tới thủ trưởng của cơ quan công an để cơ quan công an trả lời xác đáng cho bạn.
Trên đây là ý kiến giải đáp của chúng tôi về câu hỏi của bạn. Việc đưa ra nội dung nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do người hỏi cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.
Mọi thông tin cần hỗ trợ, tư vấn xin vui lòng liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH
Nhat Binh Law - NBL
Add : 125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM
Tel : +84-28-6658.8181, Hotline: 0907.299.951 (Mr. Luật sư Huỳnh Trung Hiếu)
Email : nhatbinhlaw@gmail.com
Website: luatsurienghcm.com