Câu hỏi: Xin cho tôi hỏi, tôi có một người con riêng chưa thành niên, tôi muốn cho con tôi một số tài sản, vậy con tôi có quyền có tài sản riêng hay không? Việc quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên được quy định như thế nào? Trong trường hợp có tài sản riêng thì có được tự mình thực hiện các giao dịch dân sự hay không?
Cảm ơn câu hỏi của các bạn đã gửi về cho Văn Phòng Luật Sư Nhật Bình (NBL)!, Luật sư Huỳnh Trung Hiếu - Trưởng Văn Phòng Luật Sư Nhật Bình (NBL) trả lời tư vấn cho bạn như sau:
Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người con trong quan hệ hôn nhân gia định thì theo quy đinh tại khoản 1, Điều 75, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “1. Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con”.
Việc quản lý tài sản riêng của con được quy định tại Điều 76 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
“1. Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.
2. Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.
3. Cha mẹ không quản lý tài sản riêng của con trong trường hợp con đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự; người tặng cho tài sản hoặc để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
4. Trong trường hợp cha mẹ đang quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự mà con được giao cho người khác giám hộ thì tài sản riêng của con được giao lại cho người giám hộ quản lý theo quy định của Bộ luật dân sự”.
Về năng lực hành vi dân sự để xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự được quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều 21 BLDS 2015 như sau:
“2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý”.
Khoản 2 Điều 22 quy định về giao dịch của người bị mất năng lực hành vi dân sự “Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện”.
Mọi thông tin cần hỗ trợ, tư vấn xin vui lòng liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH
Nhat Binh Law - NBL
Add : 125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM
Tel : +84-28-6658.8181, Hotline: 0907.299.951 (Mr. Luật sư Huỳnh Trung Hiếu)
Email : nhatbinhlaw@gmail.com
Website: luatsurienghcm.com