Câu hỏi: Cho tôi hỏi chứng cứ trong dân sự là gì; những vật nào được xem là chứng cứ có giá trị? Tôi có cuộn băng ghi âm cuộc đàm thoại với một nhân chứng vào thời gian trước khi xảy ra tranh chấp. Trong đó nhân chứng này đã xác nhận sự thật khách quan của sự việc trái ngược với lời chứng của họ trước toà. Vậy tôi có thể cung cấp cuộn băng ghi âm này cho toà án để làm chứng cứ không?
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi, với câu hỏi của bạn Văn Phòng Luật Sư Nhật Bình (NBL) xin trả lời như sau:
Trả lời:
* Chứng cứ và những tài liệu được xem là chứng cứ được quy định rõ tại Điều 93 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cụ thể:
"Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp ".
* Nguồn của chứng cứ được quy định tại Điều 94 của BLTTDS 2015 cụ thể:
Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:
"1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.
2. Vật chứng.
3. Lời khai của đương sự.
4. Lời khai của người làm chứng.
5. Kết luận giám định.
6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.
7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.
8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.
9. Văn bản công chứng, chứng thực.
10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định".
* Theo Khoản 2 Điều 95 thì chứng cứ có thể được xác định là "Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó".
Bên cạnh đó, tại Khoản 5 Điều 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự cũng có quy định: “ Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên tòa”.
Từ những căn cứ này của pháp luật, băng ghi âm cuộc đàm thoại với nhân chứng của bạn có thể được coi là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét.
Mọi thông tin cần hỗ trợ, tư vấn xin vui lòng liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH
Nhat Binh Law - NBL
Add : 125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM
Tel : +84-28-6658.8181, Hotline: 0907.299.951 (Mr. Luật sư Huỳnh Trung Hiếu)
Email : nhatbinhlaw@gmail.com
Website: luatsurienghcm.com