Chữ ký scan trong hợp đồng có giá trị pháp lý không hiện là vấn đề còn gây tranh cãi. Tiện ích mà công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại đem lại đã giúp hình thành những thói quen giao dịch mới, điển hình là giao dịch dưới dạng điện tử. Hệ quả hình thành các dạng chữ ký điện tử, chữ ký scan có được xem là chữ ký điện tử. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về giá trị pháp lý của chữ ký scan.
Chữ ký điện tử là gì?
Pháp luật hiện hành chưa có định nghĩa thế nào là chữ ký điện tử. Điều 21 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chỉ ra các đặc tính của chữ ký điện tử, bao gồm: Được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử; Được gắn liền hoặc kết hợp một cách logic với hợp đồng điện tử (ví dụ dưới định dạng PDF hoặc Word); Có khả năng xác nhận người ký hợp đồng điện tử và xác nhận sự chấp thuận của người.
Các hình thức phổ biến của của chữ ký điện tử hiện nay là: Chữ ký số, chữ ký scan và chữ ký hình ảnh.
Chữ ký scan
Chữ ký scan là một giải pháp hữu hiệu dành cho các hợp đồng trong trường hợp các bên hay nhiều bên của hợp đồng không ở cùng một địa điểm. Đặc biệt, chữ ký scan được sử dụng thông dụng trong các hợp đồng liên quan đến giao dịch đa quốc gia và có yếu tố nước ngoài về mặt chủ thể.
Cách thức sử dụng chữ ký scan: Hợp đồng được người ký in ra từ dữ liệu điện tử và người ký của mỗi bên ký trực tiếp trên văn bản giấy của hợp đồng bằng chữ ký sống; hợp đồng cùng với chữ ký trên hợp đồng sẽ được chuyển thành dạng điện tử (ví dụ: bằng cách quét hình (scanning) và bản quét hình (tệp dữ liệu điện tử) của hợp đồng đã ký, sau đó được gửi đi bằng thư điện tử.
Giá trị pháp lý của chữ ký scan theo pháp luật Việt Nam
Theo Luật Giao dịch điện tử năm 2005
Điều 24 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử như sau:
Đối với văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định.
Đối với văn bản cần được đóng dấu của cơ quan tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký số cơ quan, tổ chức và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định.
Khoản 6 Điều 3 Nghị định 130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2018 quy định rõ về chữ ký số là một loại chữ ký điện tử. Còn về chữ ký scan, chữ ký hình ảnh Pháp luật Việt Nam lại chưa quy định cụ thể đó có phải là một loại chữ ký điện tử hay không.
Theo Bộ luật Dân sự năm 2015
Khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hình thức giao kết hợp đồng có thể bằng lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể. Liên quan đến hình thức giao kết hợp đồng bằng văn bản, Khoản 4 Điều 400 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.
Theo quy định này thì không yêu cầu cụ thể chữ ký sống hay chữ ký điện tử. Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng công nhận “hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản” và công nhận giao dịch thông qua phương tiện điện tử.
Hi vọng bài viết trên sẽ hữu ích cho bạn
Nếu có thắc mắc liên quan hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ, giải đáp.
Mọi thông tin cần hỗ trợ, tư vấn xin vui lòng liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH
Nhat Binh Law - NBL
Add : 125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM
Tel : +84-28-6658.8181, Hotline: 0907 299 951 (Mr. Ls Huỳnh Trung Hiếu)
Email : nhatbinhlaw@luatsurienghcm.com
Website: luatsurienghcm.com, luatsunhatbinh.com