Câu hỏi: Hàng xóm nhà tôi có cây phượng rất to, cành lá sum suê, cây phượng phía trong sân nhà mọc hướng ra đường. Vào mùa mưa, cành phượng rơi sẽ rất nguy hiểm cho người đi đường. Mặc dù tôi nhiều lần nhắc hàng xóm nên tỉa bớt cành lá để tránh nguy hiểm cho mọi người nhưng hàng xóm của tôi vẫn không thực hiện. Hôm nọ, con tôi (6 tuổi) đang chơi gần cây phượng nhà hàng xóm thì bị một cành phượng to rơi xuống khiến cháu bị gãy xương vai. Luật sư cho tôi hỏi, hàng xóm của tôi có phải bồi thường thiệt hại cho con của tôi hay không?
Trả lời:
Với câu hỏi của anh/chị, Văn phòng Luật sư Nhật Bình trả lời như sau:
Điều 604 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra”.
Theo đó, cây phượng được coi là tài sản của hàng xóm anh/chị và chịu sự quản lý, trông coi của người hàng xóm. Trường hợp mà anh/chị cung cấp, người hàng xóm có lỗi khi đã không có biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn cành phượng rơi gây thiệt hại cho người khác từ trước. Do đó, trong trường hợp này, hàng xóm của anh/chị có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh do hành vi của họ gây ra có liên quan đến tài sản. Việc bồi thường thiệt hại phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Căn cứ Điều 590 BLDS về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, con của anh/chị có thể được bồi thường đối với những thiệt hại sau:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của con anh/chị;
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
Ngoài ra, anh/chị có thể yêu cầu hàng xóm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần, mức bồi thường do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Trên đây là phần giải đáp của Văn phòng Luật sư Nhật Bình, nếu có bất kỳ thắc mắc nào xin vui lòng liên hệ chúng tôi.
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH
Nhat Binh Law - NBL
Add : 125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM
Tel : +84-28-6658.8181, Hotline: 0907 299 951 (Mr. Ls Huỳnh Trung Hiếu)
Email: nhatbinhlaw@luatsurienghcm.com
Website: luatsurienghcm.com, luatsunhatbinh.com